Uống thuốc bổ không bằng… ngủ trưa

Hiện nay, tại các công sở, nhiều người dành thời gian buổi trưa để phút giải thư giãn uống cà phê với bạn bè. Nhưng thực ra, bạn sẽ hồi phục sức khỏe nhanh nhất bằng giấc ngủ trưa, một cách phục hồi sức khỏe tự nhiên mà khó có thuốc thang hay cách giải trí nào thay thế được


Uống thuốc bổ không bằng… ngủ trưa

Ích lợi ngủ giữa ngày
Về mặt sinh học, khi làm việc liên tục không có lúc nghỉ thì cơ thể sẽ tích tụ sự mệt mỏi. Sự gắng sức không những làm tiêu hao sinh lực mà còn tạo ra nhiều hóa chất cặn bã và chất độc làm tê liệt hệ thần kinh. Tác hại này chỉ có thể được giải trừ bằng một giấc ngủ đầy đủ.

Kinh nghiệm cho thấy, với sự mệt mỏi vừa phải thì chỉ cần một thời gian ngắn để lấy lại sức nhưng nếu mệt mỏi quá độ thì thời gian phục hồi phải kéo dài gấp nhiều lần. Làm việc tới kiệt sức cũng khiến nang thượng thận suy nhược vì phải liên tục sản xuất kích thích tố để đối phó. Bình thường, nang này hoạt động mạnh vào buổi sáng sớm, tăng dần cho tới trưa, rồi giảm dần cho tới mức thấp nhất vào khoảng thời gian từ 3 tới 5 giờ chiều.

Một kiến trúc sư có tiếng người Mỹ, ông Buckminster Fuller, đã áp dụng phương thức: Cứ sau ba giờ làm việc thì ngủ nửa tiếng, ngày cũng như đêm. Ông cho biết là trong người rất tỉnh táo, hiệu năng làm việc tăng rất cao và sau mấy tháng, đi khám sức khỏe thấy kết quả mọi thứ đều tốt. Theo kinh nghiệm của nhiều người, ngủ trưa khiến họ trở nên tinh nhanh, linh lợi hơn và có thể giải quyết được nhiều việc phức tạp, rắc rối một cách dễ dàng.

William Anthony, tác giả sách Nghệ Thuật Ngủ Trưa Tại Sở -“The Art of Napping at Work”- cho hay một ít phút ngủ nghỉ nơi làm việc là phương thức rẻ tiền và tự nhiên nhất để tăng sức sản xuất của nhân viên. Tác giả Charles P. Kelly, một chuyên gia nổi tiếng về giấc ngủ, kể lại kinh nghiệm cá nhân về vấn đề này. Khi còn học đai học, ông ta phải đi làm thêm, bán hàng qua điện thoại. Một hôm ông ta mệt quá, nằm ngủ thiếp đi nửa giờ đồng hồ. Khi tỉnh dậy, ông ta cứ lo là không đủ thì giờ để rao bán cho đủ số khách hàng đúng như tiêu chuẩn. Nhưng kết quả ngược lại: không những đủ mà còn vượt quá chỉ tiêu vì buổi chiều hôm đó ông ta thấy trong người sảng khoái, nói năng lưu loát, thuyết phục hơn những ngày trước. Từ đó, ông ta tiếp tục ngủ nửa giờ sau mỗi bữa ăn trưa để có thể làm việc trễ hơn vào buổi tối.

Giờ ngủ và tư thế ngủ
Theo kết quả nghiên cứu của bác sĩ Nathaniel Kleitman thì với một giấc ngủ ban đêm, khả năng lao động của con người tăng dần từ lúc ngủ dậy, tới một cao điểm trong ngày rồi xuống dần, thấp nhất vào ban đêm. Bây giờ nếu ta ngủ ngắn hạn vào buổi trưa, thì sẽ có hai cao điểm của khả năng lao động thay vì một cao điểm.

Vị thế để nghỉ trưa cũng quan trọng. Có người ngồi ngay thẳng trên ghế làm việc, có người ngồi xếp bằng dưới đất, cũng có người nằm gác chân lên bàn, tháo bỏ giầy, rồi nhắm mắt ngủ.

Nhiều người cho rằng chỉ nằm yên lặng nhắm mắt cũng có công hiệu phục hồi sinh lực như ngủ nhưng khác nhau về diễn biến. Khi ngủ thì con ngươi thu nhỏ, và ngủ càng say con ngươi càng nhỏ. Còn khi nhắm mắt nghỉ thì con ngươi vẫn nở rộng. Khi ngủ trưa, nhiều người tự nhiên thức dậy mà không cần báo thức, vì họ ngủ lâu mau tùy theo nhu cầu giải tỏa mệt mỏi của cơ thể. Do đó sự mệt mỏi hết rất mau, tránh được sự tích tụ mệt mỏi.

  (Theo Thanh Niên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *