Thị trường lao động khởi sắc

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung nhận định 2024 là năm mà ngành LĐ-TB-XH tăng tốc, bứt phá. Bộ trưởng cho rằng tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, kinh tế tiếp tục còn đối mặt khó khăn, thách thức nhưng thị trường lao động Việt Nam đang có những tiến triển nhất định.

Các doanh nghiệp (DN) có những đơn hàng mới, mở rộng kinh doanh và nhiều dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong năm 2024, toàn ngành sẽ thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, yếu thế. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng thị trường lao động…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH lưu ý các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động (NLĐ) quay lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực sau Tết, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ.

Sau Tết nguyên đán, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết đã tiếp nhận hơn 10.000 yêu cầu tuyển dụng từ các DN tại địa phương với nhiều ngành nghề khác nhau như: sản xuất giày da, sản xuất điện tử, sản xuất khuôn đúc vỏ điện thoại, đồng hồ… Các DN của tỉnh Hải Dương dự kiến cần tuyển gần 54.000 lao động, tăng 9.000 người so với năm 2023, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, cơ khí…

Công nhân Tổng Công ty CP May Nhà Bè quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Trong khi đó, tại “thủ phủ công nghiệp” phía Nam, Bình Dương đang cần khoảng 60.000 lao động cho năm 2024. Một số ngành nghề mà Bình Dương có nhu cầu tuyển dụng tương đối lớn là: công nghiệp chế biến thực phẩm; dệt may; da giày, sản xuất, sửa chữa lắp đặt móc máy, thiết bị công nghiệp điện điện tử; sản xuất sản phẩm từ gỗ, nhựa… với khoảng 48.500 lao động.

Báo cáo triển vọng thị trường lao động năm 2024 của Navigos Group cho thấy dù có những biến động trong việc tuyển dụng nhưng 59,1% DN cho biết vẫn sẽ tuyển thêm gần 25% nhân sự. Trong đó, DN ưu tiên tuyển dụng nhân sự có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, đã có 1-3 năm kinh nghiệm, sau đó là sinh viên mới tốt nghiệp và cấp bậc quản lý bộ phận. DN cũng ưu tiên tuyển dụng vị trí kinh doanh, bán hàng, tiếp đến là nhân sự phòng, ban sản xuất và truyền thông, tiếp thị.

Báo cáo của Navigos Group cũng chỉ ra rằng làm việc linh hoạt là xu hướng đang được nhiều người quan tâm trong thời gian tới, với 50% NLĐ lựa chọn. Mối quan tâm đến sức khỏe tinh thần cũng được đề cao khi gần 44% nhân sự lựa chọn ưu tiên cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Đáng chú ý, những việc làm mới dần xuất hiện tại Việt Nam tập trung về trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ kỹ thuật số, xử lý dữ liệu, phân tích tình hình kinh doanh… Trong đó, các công việc liên quan lĩnh vực AI và xử lý dữ liệu đang xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề như: công nghệ thông tin – viễn thông, xây dựng – bất động sản, ngân hàng, giáo dục, dịch vụ tài chính – tư vấn, dịch vụ tư vấn, bảo hiểm…

Theo ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Navigos Group, để có sự chuẩn bị tốt khi tình hình kinh tế ổn định và phát triển trở lại, cũng như để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, NLĐ cần nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI vào công việc nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh.

  Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *