Những khoản tiền người lao động sẽ mất khi rút bảo hiểm xã hội một lần

Người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ gặp nhiều thiệt thòi, đặc biệt sẽ không có lương hưu trang trải cuộc sống khi về già.

Không được nhận lương hưu hằng tháng

Nếu đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên, đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả lương hưu hằng tháng.

Căn cứ Điều 55 và Điều 74 Luật BHXH năm 2014, lương hưu hằng tháng của người lao động sẽ được tính như sau: Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH

Để đảm bảo rút ngắn chênh lệch về lương hưu giữa những người lao động với nhau, Chính phủ còn ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội (Điều 57 Luật BHXH năm 2014).

Tuy nhiên, nếu rút bảo hiểm xã hội 1 lần, thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó của người lao động sẽ bị xóa bỏ. Nếu không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động đương nhiên sẽ không được nhận lương hưu khi về già.

Mất tiền mua bảo hiểm xã hội mà mức hưởng vẫn thấp hơn người có lương hưu

Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người đang hưởng lương hưu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng. Theo đó, bên cạnh lương hưu, người lao động còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Không những phải bỏ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế mà mức hưởng bảo hiểm y tế của người hưởng lương hưu với người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình cũng có sự khác biệt nhất định.

Không có trợ cấp mai táng khi người lao động chết

Theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động đang hưởng lương hưu mà chết thì người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng. Số tiền này sẽ được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán một lần cho thân nhân của người lao động đó.

Tiền trợ cấp mai táng = 10 x Mức lương cơ sở.

Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng. Kéo theo đó, mức trợ cấp mai táng được xác định bằng 14,9 triệu đồng.

Ngoài thân nhân của người lao động đang hưởng lương hưu chết được nhận trợ cấp mai táng, nếu người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà có thời đóng từ đủ 12 tháng trở lên chết thì thân nhân của họ cũng được nhận loại trợ cấp này.

Người thân không được hưởng trợ cấp tuất

Căn cứ Điều 67 và Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động đang hưởng lương hưu mà tử vong thì thân nhân của người đó sẽ được hưởng trợ cấp tuất, có thể là tuất 1 lần hoặc tuất hằng tháng.

Theo Điều 69 và Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nếu người lao động đang nhận lương hưu mà chết thì thân nhân sẽ được hưởng như sau: Trợ cấp tuất hằng tháng; Trợ cấp tuất một lần.

Và đương nhiên, nếu không được được hưởng lương hưu hay không tiếp tục tham gia BHXH, khi người lao động chết, người thân sẽ không được thanh toán tiền trợ cấp tuất.

  Báo Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *