(NLĐO)- Theo quy định hiện hành, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp lâu hơn 114 tháng (12 năm), khi nghỉ việc chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp của 12 năm, phần đóng dư không được bảo lưu.
Nhận xét các quy định liên quan đến BHTN có nhiều điểm gây bất lợi cho người lao động. ông Nguyễn Thành Tài, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đại Đồng Tiến (quận 5, TP HCM), cho biết một trong những bất lợi đó là quy định không được bảo lưu thời gian đóng BHTN để tính hưởng trợ cấp cho lần tiếp theo trong trường hợp đóng BHTN trên 144 tháng (12 năm). Theo ông Tài, quy định này gây nhiều thiệt thòi cho người lao động và khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhiều người lao động chọn cách đóng BHTN gần đủ hoặc đủ thời gian hưởng tối đa thì xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp
Cụ thể, khoản 3 điều 103 của dự án luật Việc làm (sửa đổi) quy định 4 trường hợp mà thời gian đóng BHTN không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.
Trong đó, trường hợp thứ 4 là người lao động có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng. Tức là, người lao động có thời gian đóng BHTN trên 12 năm khi mất việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng, thời gian đóng BHTN vượt trên 12 năm sẽ không được bảo lưu mà tính lại từ đầu.
“Để đối phó với bất hợp lý này, nhiều người lao động chọn cách đóng BHTN gần đủ hoặc đủ thời gian hưởng tối đa thì xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tình trạng này khiến doanh nghiệp mất đi những công nhân có tay nghề trong khi việc tuyển dụng lao động hiện nay rất khó khăn”- ông Tài phản ánh.
Thực tế, việc không bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với trường hợp đóng BHTN trên 144 tháng là quy định đang được thực hiện theo quy định của luật Việc làm năm 2013.
Tuy nhiên, do luật Việc làm năm 2013 không nêu rõ quy định này dẫn đến nhiều lao động hiểu lầm. Nay dự án luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung, nêu rõ quy định này tại khoản 3 điều 103.
Nhiều người lao động nghỉ việc cùng lúc làm cho doanh nghiệp khó khăn, thiếu hụt lao động có tay nghề cao
Ngày 17-10-2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã có công văn số 4379/LĐTBXH-VL gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giải thích rõ về việc bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với trường hợp người lao động có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 45 Luật Việc làm năm 2013 thì sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng BHTN trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.
Thời gian đóng BHTN cho lần hưởng tiếp theo được tính lại từ đầu, chỉ trừ 6 trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Kết hợp 2 điều khoản trên, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn: “Như vậy, người lao động có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng và đáp ứng đủ các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng (tương ứng với 144 tháng đóng BHTN) và không được bảo lưu đối với thời gian đóng BHTN còn lại”.
Cũng trong công văn này, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị BHXH Việt Nam rà soát lại những trường hợp có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 1-1-2021 mà có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng được bảo lưu thì phải chỉnh sửa lại, thực hiện việc không bảo lưu đối với thời gian này.
Luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn Luật sư Bình Phước)
Nguy cơ rối loạn thị trường lao động
BHTN cũng là một dạng bảo hiểm để khi người lao động mất việc thì họ có “chỗ dựa” để giải quyết khó khăn khi không có thu nhập. Phí đóng bảo hiểm được trích từ thu nhập của người lao động, do đó, khi chi trả cũng nên xem xét mức nhận bảo hiểm phải tương xứng. Nếu quy định chỉ chi trả đủ số tiền bảo hiểm tương ứng 12 năm đóng mà không cho bảo lưu thời gian đóng vượt trội sẽ dẫn đến khả năng người chỉ làm việc 10-12 năm và xin nghỉ để nhận đủ BHTN sau đó mới làm lại nhằm “né” việc phải đóng BHTN cho thời gian vượt trội “vô ích”. Điều này có nguy cơ sẽ làm rối loạn thị trường lao động và rối loạn Quỹ BHTN.
Do đó, cần xem xét cho bảo lưu thời gian đã đóng vượt trội cho lần tiếp theo để đảm bảo quyền lợi và tạo sự yên tâm cho người lao động. Hơn nữa, trong trường hợp bình thường, nếu người lao động chưa hưởng đủ thời gian BHTN mà họ ngừng hưởng do đã tìm được việc làm, thực hiện nghĩa vụ quân sự… thì họ được bảo lưu, trong khi đóng vượt thời gian thì không được bảo lưu là thiếu công bằng.
“Trường hợp nếu không thể cho người lao động bảo lưu thời gian đóng vượt trội này thì cũng nên giải quyết cho họ được nhận lại”- Luật sư Nam đề xuất.
Người lao động