Nghỉ việc rút BHXH một lần, nhiều công nhân tiếc công việc mức lương trên 10 triệu đồng/tháng

(NLĐO) – Vì nhiều lý do, công nhân chọn rút BHXH một lần khi đã đóng được trên 10 năm, tuy nhiên hành trình tìm việc của họ sau đó không hề thuận lợi

Cách đây gần một năm, một doanh nghiệp lớn tại quận Bình Tân, TP HCM gặp khó khăn về đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động. Khi ấy, doanh nghiệp đã vận động người lao động tự nguyện làm đơn xin thôi việc với mức bồi thường thỏa đáng. 

Đúng lúc ấy, gia đình gặp phải biến cố, mẹ bị bệnh, chị Tô Thị Ngọc Hương, công nhân của công ty quyết định nghỉ việc để có thời gian chăm sóc mẹ đồng thời dùng khoản tiền bồi thường mà công ty chi trả để phụ mẹ điều trị bệnh. Chị cũng chọn sẽ rút BHXH một lần khi đã đóng đủ 15 năm BHXH bắt buộc để có một số vốn rồi sau đó bắt đầu tìm một công việc ổn định khác. Khi ấy, mức lương căn bản của chị tại công ty đạt khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, lựa chọn ấy không khiến cuộc sống của chị khá hơn. Sau khi nghỉ việc vào giửa năm 2023, chị Hương chuyên tâm chăm sóc mẹ nhưng tình hình không kéo dài, mẹ chị không qua khỏi. Khoản tiền bồi thường cạn kiệt, trong khi chị mãi vẫn chưa kiếm được việc làm, gia đình chị phải sống nhờ vào tiền BHTN hàng tháng (khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng) của chị trong khi các con còn độ tuổi ăn học, chị thì vẫn phải thuê nhà trọ nên làm cách nào cũng không đủ chi tiêu, nhiều khi mượn tạm người thân. 

“Mấy lần tìm việc mà không được còn tiền mất tật mang khiến tôi chán nản. Đôi khi tôi cảm thấy rất tiếc công việc cũ, nếu ở lại thì lương cơ bản hiện tại của tôi đã trên 10 triệu đồng/tháng” – chị kể

Tương tự chị Hồ Hồng Thúy (quê Bến Tre), công nhân doanh nghiệp may mặc lớn tại quận Bình Tân cũng vừa làm đơn xin nghỉ việc để rút BHXH một lần. Với 15 năm gắn bó, chị Thúy có mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng, thêm các khoản thưởng phụ cấp, tổng thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Vợ chồng chị tính một năm sau, khi chị rút BHXH một lần, gia đình có số vốn tích lũy để dự phòng rủi ro, còn chị sẽ tìm một công việc mới. 

Thế nhưng mọi chuyện không như mong đợi, chồng chị vốn làm công nhân tại quận 6, TP HCM, gần đây, công ty chuyển trụ sở về Bình Dương, di chuyển xa, nên chuyển sang làm lao động tự do, công việc bấp bênh khiến cuộc sống gia đình vốn tạm đủ ăn nay nhiều khi thiếu trước hụt sau. Vì vậy, chị Thúy đang cân nhắc có nên chờ rút BHXH một lần hay xin vào công ty làm lại.

Người lao động làm hồ sơ rút BHXH một lần tại BHXH huyện Hóc Môn, TP HCM

Năm 2021, sau 6 tháng nghỉ thai sản, do không có người phụ chăm con nên chị Trần Thị Kim, công nhân công ty giày da tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai quyết định nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con. Lúc ấy, chị đã là quản lý cấp trung của công ty với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Một năm sau đó, chị chọn rút BHXH một lần cho 9 năm đóng BHXH. Khi ấy, chị nhận được khoản tiền hơn 150 triệu đồng. 

Khoản tiền ấy chị Kim dùng 90 triệu đồng để học một khoá livestream bán hàng đồng thời nhập mỹ phẩm về bán hàng online tại nhà để vừa tiện trông con vừa kiếm thêm thu nhập để phụ chồng nuôi 3 con nhỏ. Lúc đầu, thì việc buôn bán cũng thuận lợi do bạn bè, đồng nghiệp cũ ủng hộ. Mỗi tháng, thu nhập chị nhận được khoảng 6 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, do chị nghỉ việc lâu, mối quan hệ ít dần nên tình hình bán hàng ngày càng ảm đạm. Chị thở dài: “Bỏ ra 90 triệu nhưng sau gần một năm bán hàng tôi chỉ thu được 60 triệu, coi như lỗ. Vì vậy, sau hơn 2 năm nghỉ việc ở nhà, tôi quyết định gửi con đi nhà trẻ bà xin vào làm lại ở công ty cũ, bắt đầu lại từ mức lương khởi điểm. Nghĩ lại khoảng thời gian cố gắng phấn đấu lên quản lý trước đây, tôi thấy tiếc vô cùng vì tính ra sau khi nhận BHXH một lần, tôi cũng không làm được gì to tát bằng số tiền ấy”.

  Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *