(NLĐO) – Gần 595.000 người rút BHXH một lần từ đầu năm đến nay, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023, phần lớn là lao động 20-40 tuổi
BHXH Việt Nam cho biết tính từ đầu năm đến nay cả nước có hơn 595.000 người rút BHXH một lần, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Đào Duy Hiện, Phó Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam, cho biết đa số người rút BHXH một lần là lao động trẻ.
Người dân làm thủ tục nhận BHXH một lần tại TP HCM. Ảnh: Intenet
Số lao động rút BHXH một lần tăng
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy 78% lao động rút BHXH một lần từ 20 đến dưới 40 tuổi, 98% rút BHXH một lần, rời hệ thống an sinh sau một năm nghỉ việc. Những người này chủ yếu làm việc trong doanh nghiệp, bị mất việc sớm, cuộc sống khó khăn.
Số lao động rút BHXH tăng song số người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm gần 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 442.400, hơn 8.700 người có quyết định hỗ trợ học nghề, giảm 4,3%.
Ngoài ra, đại diện BHXH cho rằng số người rút BHXH một lần tăng cũng đến từ suy nghĩ sợ chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi; chính sách BHXH tự nguyện còn thiếu hấp dẫn, mức hỗ trợ đóng của Nhà nước còn thấp….
“Khi có lao động làm thủ tục rút BHXH một lần, chúng tôi đều vận động họ không rút, tiếp tục bảo lưu BHXH và tham gia lại khi có điều kiện. Nhiều người cũng đã nghe ra và không rút BHXH một lần. Tuy nhiên, cũng có không ít người nói thẳng, họ hiểu rõ thiệt thòi khi rút BHXH một lần nhưng vì khó khăn nên họ vẫn rút BHXH một lần để chống đỡ khó khăn”- ông Hiện chia sẻ.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết thêm đầu năm 2023 khi có thông tin về sửa luật BHXH, nhiều lao động chưa hiểu hết nên số rút BHXH một lần tăng đột biến, song từ tháng 10-2023 đến nay đã giảm.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi dự kiến thông qua ngày 25-6 nêu hai phương án giải quyết BHXH một lần.
Phương án một, lao động tham gia trước ngày 1-7-2025, sau 12 tháng không đóng BHXH bắt buộc lẫn tự nguyện mà đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút một lần.
Phương án hai, lao động đóng BHXH chưa đủ 20 năm, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc cũng không đóng tự nguyện thì được giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất. Số còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ khi quay lại hệ thống an sinh.
Hai phương án này được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất lần đầu hồi tháng 3-2023 trong lần lấy ý kiến về dự thảo luật sửa đổi. Sau 15 tháng bàn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra vẫn chưa thống nhất loại bỏ phương án nào do còn quá nhiều ý kiến khác nhau và “cả hai phương án đều chưa tối ưu”.
Ngành BHXH linh hoạt các giải pháp để phát triển người tham gia BHXH, BHYT
Thống kê giai đoạn 2016-2022 gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút 3 lượt.
18,3 triệu người tham gia BHXH
BHXH Việt Nam cũng cho biết công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2023 với khoảng 18,3 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ bao phủ là 39,05% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,16 triệu người (tương đương 6,77%) so với cùng kỳ năm 2023, trong đó BHXH tự nguyện là 1,62 triệu người, tăng 202 nghìn người (tương đương 14,25%) so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, ngành đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHYT, tăng 1,22 triệu người (tương đương 1,37%) so với cùng kỳ năm 2023.
Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT đảm bảo đầy đủ, kịp thời, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động và nhân dân. Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành BHXH Việt Nam giải quyết và chi trả cho gần 8 triệu người hưởng các chế độ BHXH, phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết cho 442,38 ngàn người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được lập danh sách chi trả trong tháng.
Bên cạnh đó, ngành đã giải quyết, chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho người có thẻ BHYT.
Người lao động