(NLĐO)- Đề xuất cần tính thêm tỉ lệ trượt giá vào lương hưu hoặc lấy mức lương bình quân của 5 năm cuối đóng BHXH để tính lương hưu cho người lao động.
Năm 2012, bà Phan Thị Lanh, công nhân một công ty sản xuất sắt tại quận Bình Tân, TP HCM, xin đi giám định sức khỏe để làm thủ tục nghỉ hưu trước tuổi. Với thương tật được cơ quan chức năng giám định trên 61% và thời gian đóng BHXH gần 25 năm, lương hưu của bà Lanh chỉ 2 triệu đồng/tháng, sau khi bị trừ đi tỉ lệ phần trăm do về hưu trước tuổi.
Với mức lương hưu hiện nay, nhiều người lao động sau khi nghỉ hưu phải đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống
Với mức lương hưu chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, thời điểm đó, bà Lanh rất thất vọng bởi khó có thể trang trải chi phí hằng ngày. Để đảm bảo cuộc sống, bà phải tiếp tục đi làm công việc giúp việc nhà.
Qua các lần điều chỉnh tiền lương hưu hằng năm, lương hưu của bà được hơn 3 triệu đồng.
Báo cáo đánh giá tác động về đề xuất tăng lương của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy trong số 3,4 triệu người đang nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng chỉ có 500 người hưởng mức lương từ 20 triệu đồng trở lên trong khi đa số hưởng lương rất thấp, chỉ 5 triệu đồng.
Số người hưởng lương hưu từ quỹ BHXH ở nước ta hiện có mức bình quân chỉ 5,6 triệu đồng/người/tháng, còn hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách nhà nước là 4,7 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất của người hưởng hiện là 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Điều đáng nói, từ năm 1995 đến năm 2023 dù đã trải qua 23 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 21 đến 36 lần nhưng mức lương hưu của nhiều người vẫn rất thấp.
Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra mức lương hưu của người lao động Việt Nam thấp. Trong đó chủ yếu là do mức lương làm căn cứ đóng BHXH thấp, thời gian đóng BHXH ngắn và nhiều người nghỉ hưu trước tuổi.
Mức đóng thấp ngoài mức lương thực tế của nhiều người lao động thấp còn do thực trạng đóng BHXH không đúng mức tiền lương, thu nhập thực tế tại một số đơn vị sử dụng lao động.
Số liệu từ Bộ LĐ-TB-XH cho thấy, năm 2022 mức bình quân tiền lương đóng BHXH bắt buộc là 5,73 triệu đồng/tháng. Dù Luật BHXH hiện hành quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động bao gồm cả lương và các phụ cấp. Tuy nhiên, qua ghi nhận của cơ quan BHXH, một số doanh nghiệp vẫn “lách” luật, chia nhỏ các khoản phụ cấp thành các khoản hỗ trợ để trốn đóng, đóng không đủ BHXH.
Có đề xuất quy định tăng mức đóng BHXH sát với thu nhập thực tế của người lao động, ít nhất phải bằng 70 – 80% thu nhập hàng tháng của người lao động
Ông Trần Quang Lợi, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sanofi Aventis (quận 1, TP HCM) đề xuất để cải thiện lương hưu, Việt Nam không thể chỉ trông chờ vào mức điều chỉnh tăng lương hưu hàng năm, điều quan trọng đặt ra vẫn phải có lộ trình điều chỉnh tăng mức đóng, giúp người tham gia BHXH ở lại hệ thống cho đến khi hết tuổi lao động. Có như vậy khi về già lương hưu mới đủ sống.
“Luật BHXH sửa đổi cũng cần phải quy định tăng mức đóng sát với thu nhập thực tế của người lao động, ít nhất phải bằng 70 – 80% thu nhập hàng tháng của người lao động” – ông Lợi đề xuất.
Với việc lương, trợ cấp được chi trả qua tài khoản, cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể giám sát việc đóng BHXH qua nguồn thu nhập hàng tháng của người lao động. Các cơ quan thanh tra chuyên ngành hoàn toàn có thể giám sát chi trả lương và đóng BHXH qua hệ thống ngân hàng để đảm bảo mức đóng BHXH của người lao động trên cơ sở lương thu nhập thực tế.
Việc giám sát thu nhập để tăng mức đóng BHXH cần quy định bắt buộc, nhất là trong bối cảnh Luật BHXH sửa đổi đang đề xuất giảm thời gian tham gia BHXH xuống 15 năm được hưởng lương hưu nhận được ủng hộ lớn từ người lao động. Khi thời gian tham gia BHXH ngắn bắt buộc phải tăng mức đóng thì lương hưu mới đảm bảo cuộc sống cho người tham gia BHXH muộn.
Người lao động