(NLĐO)- Ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng đối với người lao động cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, những năm gần đây, tuy số tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp giảm nhưng số đơn vị chậm đóng lại tăng. Cụ thể, năm 2021 cả nước có hơn 26.600 đơn vị chậm đóng BHXH, năm 2022 tăng lên hơn 31.800 đơn vị, trong 6 tháng của năm 2023 đã có 32.700 đơn vị chậm đóng.
Tính đến hết tháng 10-2023, tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước là khoảng 14.650 tỉ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng tại các đơn vị không có khả năng thu hồi là 4.164 tỉ đồng.
Nguyên nhân được lý giải là do những năm gần đây doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý hành vi chậm, trốn đóng BHXH chưa đủ sức răn đe, còn vướng mắc không thực hiện được.
Người lao động một doanh nghiệp tại quận Tân Bình, TP HCM viết đơn khởi kiện đòi nợ BHXH
Đặc biệt, với những đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài, nhưng không còn tài sản đảm bảo hay nguồn tài chính để khắc phục nợ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 206.000 lao động. Tuy nhiên, việc giải quyết quyền lợi cho đối tượng này thời gian qua gặp nhiều khó khăn do pháp luật chưa có quy định.
Để “chữa cháy”, từ hướng dẫn của các văn bản dưới luật của các Bộ, ngành liên quan, thời gian qua, trong số 206.000 trường hợp bị nợ BHXH, đã có 2.291 người được giải quyết chế độ hưu trí, 535 người được giải quyết chế độ tử tuất, 27.415 người đã được giải quyết chế độ BHXH một lần, 34.574 người đã được cơ quan BHXH xác nhận thời gian tham gia để bảo lưu quá trình đóng. Hiện còn khoảng 125.000 người chưa được giải quyết chế độ chính sách.
Khắc phục bất cập nêu trên, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH. Cụ thể, tại điều 41 của dự thảo quy định:
1. Cơ quan BHXH xác nhận tạm thời thời gian đã đóng BHXH khi có yêu cầu của người lao động làm cơ sở thực hiện chế độ BHXH trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Luật này mà tạm ngừng kinh doanh; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã phá sản; không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Công nhân Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi, TP HCM) thiệt thòi quyền lợi khi doanh nghiệp nợ BHXH, chủ bỏ trốn
2. Khi người sử dụng lao động quy định tại khoản 1 Điều này mà nộp số tiền quy định tại khoản 1 Điều 39 và khoản 1 Điều 40 thì cơ quan BHXH xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở thực hiện chế độ BHXH cho người lao động.
3. Giải quyết chế độ BHXH cho người lao động thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:
a) Trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng thì giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng theo thời gian đã được xác nhận tại khoản 1 Điều này;
b) Trường hợp tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không bao gồm số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số ngày, số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng hoặc hưởng BHXH một lần cho thời gian đã được xác nhận tại khoản 1 Điều này.
4. Trường hợp cơ quan BHXH thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH theo quy định tại khoản 2 Điều này thì:
a) Xác nhận bổ sung thời gian và điều chỉnh mức hưởng cho đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
b) Hoàn trả cho người lao động, thân nhân của người lao động số tiền trước đây đã nộp cho cơ quan BHXH cho người lao động đã lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất để đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
c) Xác nhận thời gian đóng cho người lao động đã hưởng BHXH một lần quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
5. Trường hợp người cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đã đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH và không tự đóng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này thì được lựa chọn hưởng lương hưu trên cơ sở tạm tính mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng BHXH thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng được xác lập theo vùng của vùng thấp nhất do Chính phủ công bố được áp dụng tại thời điểm đóng.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người lao động quy định tại khoản này đóng cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng BHXH.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Người lao động