Doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không hướng dẫn người lao động tham gia BHXH thì bị xử phạt vi phạm hành chính ra sao?

Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động không hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì bị xử phạt hành chính như thế nào? 

Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động có những quyền gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 26 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định doanh nghiệp dịch vụ có các quyền sau đây:

(1) Thực hiện các nội dung quy định tại Điều 9 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020;

(2) Thỏa thuận với người lao động về tiền dịch vụ, tiền ký quỹ, bảo lãnh để thực hiện hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020;

(3) Đơn phương thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sau khi doanh nghiệp dịch vụ đã 03 lần thông báo bằng thư bảo đảm trong thời gian 180 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động; người được ủy quyền hợp pháp của người lao động không đến thanh lý hợp đồng.

Hoặc kể từ ngày người lao động gia hạn hợp đồng lao động mà không thực hiện quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;

(4) Khiếu nại, khởi kiện về quyết định hoặc hành vi vi phạm pháp luật tong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.


Doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không hướng dẫn người lao động tham gia BHXH thì bị xử phạt vi phạm hành chính ra sao? Hình từ Internet)

Doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có nghĩa vụ hướng dẫn người lao động tham gia BHXH hay không?

Căn cứ khoản 2 Điều 26 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ như sau:

Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ

2. Doanh nghiệp dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:

c) Cam kết bằng văn bản việc ưu tiên tuyển chọn người lao động đã tham gia hoạt động chuẩn bị nguồn của doanh nghiệp; trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết ưu tiên tuyển chọn người lao động sau khi đã tham gia chuẩn bị nguồn do doanh nghiệp tổ chức thì phải bồi thường theo thỏa thuận; quảng cáo, tư vấn, thông báo tuyển chọn, cung cấp thông tin chính xác với người lao động và chính quyền địa phương tại nơi tuyển chọn về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động; trực tiếp tuyển chọn và không được thu tiền của người lao động về việc tuyển chọn; thực hiện đúng các nội dung đăng ký hợp đồng cung ứng lao động đã được chấp thuận;
d) Tổ chức và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này; hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

Như vậy, theo quy định trên, doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ hướng dẫn người lao động tham gia BHXH (bảo hiểm xã hội) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không hướng dẫn người lao động tham gia BHXH thì bị xử phạt vi phạm hành chính ra sao?

Căn cứ Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không hướng dẫn người lao động tham gia BHXH như sau:

Vi phạm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ)
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng khi có một trong các hành vi sau đây:

h) Không báo cáo hoặc báo cáo không trung thực với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài và phương án thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực và văn bản thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ tiếp nhận quyền, nghĩa vụ trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định;
i) Không hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
k) Đóng không đúng thời hạn vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần như sau:

Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, theo quy định trên, doanh nghiệp dịch vụ không hướng dẫn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động tham gia BHXH theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

  Thư Viện Pháp Luật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *