(Dân trí) – Công đoàn đề xuất điều chỉnh cách tính lương hưu để khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm xã hội lâu năm hưởng lương hưu tối đa, người chưa rút BHXH một lần không bị trừ 2%/năm khi nghỉ hưu sớm.
Không trừ tỷ lệ lương hưu khi nghỉ hưu sớm
Tại hội nghị lấy ý kiến về dự án luật BHXH (sửa đổi), bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn công ty Intel Product, đánh giá chế độ hưu trí là quan trọng nhất trong 5 chế độ mà người lao động được hưởng khi tham gia BHXH bắt buộc.
Theo cán bộ công đoàn, lương hưu giúp công nhân gắn bó lâu dài với BHXH (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Theo cách tính lương hưu hiện nay, lao động nam chỉ cần đóng 35 năm và lao động nữ đóng 30 năm là được hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa (75% tiền lương bình quân lương tháng đóng BHXH).
Hiện có rất nhiều công nhân đi làm sớm, có người mới 18 tuổi đã đi làm, đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa khi chỉ mới 48 tuổi (đối với nữ), 53 tuổi (đối với nam). Họ phải chờ hơn 10 năm nữa mới được lãnh lương hưu.
Tuy nhiên, mỗi năm đóng BHXH sau khi đạt tỷ lệ tối đa trên, người lao động chỉ được nhận theo trợ cấp hưu trí một lần là 0,5 tháng lương bình quân toàn bộ quá trình tham gia BHXH.
Về điểm này, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn lao động TPHCM, có ý kiến: “Mức trợ cấp hưu trí một lần sau khi đạt mức lương hưu tối đa hiện nay là bất cập, mỗi năm chỉ hưởng 0,5 tháng lương là không phù hợp”.
Theo ông, sau khi người lao động đóng đủ năm để hưởng mức lương hưu tối đa là đã tính toán đủ bình ổn quỹ BHXH rồi, số năm đóng dư nên tính toán cho phù hợp. Ông đề nghị, mức trợ cấp hưu trí một lần này nên tăng từ 0,5 tháng lương lên thành 2 tháng lương.
“Nếu không, sau khi đóng đủ năm để hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa thì ít người đi làm tiếp lắm”, ông Triều nói.
Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, quy định tính lương hưu hiện hành và trong dự án luật BHXH (sửa đổi) chưa thực sự khuyến khích người lao động gắn bó với BHXH.
Nhiều người lao động có ý định đóng BHXH 10-15 năm rồi nghỉ lãnh BHXH một lần, sau đó tham gia lại thì đến khi đủ tuổi nghỉ hưu họ vẫn đủ thời gian đóng BHXH để lãnh lương hưu tối đa.
Do đó, bà Yến đề xuất bổ sung quy định cho phép người lao động chưa từng rút BHXH một lần và đã đóng đủ năm để hưởng mức lương hưu tối đa được nghỉ hưu trước tuổi quy định 5 tuổi mà không bị trừ tỷ lệ mức hưởng lương hưu (hiện mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 2%).
Bà Yến cho rằng: “Làm vậy sẽ khuyến khích người lao động trung thành với quỹ hưu trí, gắn bó với BHXH, đóng BHXH lâu dài cho đến khi đạt tỷ lệ lương hưu tối đa”.
Thay đổi cách tính lương hưu
Ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Pouyen Việt Nam, thì kiến nghị đổi cách tính lương hưu.
Hiện lương hưu của người lao động ngoài khối nhà nước được tính bình quân toàn bộ thời gian tham gia BHXH. Ông Cường kiến nghị nên tách thành 2 giai đoạn với cách tính khác nhau, lấy cột mốc là năm 2014.
Ông Kim Vĩnh Cường đề xuất: “Nếu người lao động tham gia BHXH trước năm 2014 thì tính bình quân lương tháng trong 20 năm cuối. Người tham gia sau năm 2014 thì tính bình quân lương tháng toàn bộ quá trình tham gia BHXH”.
Ông Cường giải thích lý do chọn cột mốc là năm 2014: “Trước năm 2014, mức lương mà người lao động làm căn cứ để đóng BHXH rất thấp. Khi luật BHXH năm 2014 có hiệu lực, mức đóng được tính đủ hơn nên cao hơn nhiều. Nếu tính lương hưu bình quân toàn bộ quá trình thì thiệt thòi cho người tham gia trước năm 2014”.
Ông Kim Vĩnh Cường đánh giá, điều chỉnh cách tính lương hưu để đảm bảo cho người lao động tham gia BHXH lâu dài có mức lương hưu cao hơn, đảm bảo cuộc sống về già, giúp họ yên tâm hơn để làm việc.
Bởi theo ông, hiện có nhiều công nhân đóng BHXH cả đời mà mức lương hưu chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, mới nâng lên thì cũng chỉ được gần 3 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn công ty may mặc Song Ngọc, cũng đồng tình với ý kiến trên. Ông cho rằng cách tính toàn bộ quá trình như vậy chưa thực sự phù hợp với người tham gia BHXH từ rất lâu trước đây. Vì trong những năm 1990, người lao động tham gia BHXH với mức lương rất thấp, từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.
Ông lấy quá trình 35 năm tham gia BHXH của mình làm ví dụ. Cả 15 năm đầu trong quá trình trên chỉ giúp lương hưu của ông tăng… 200.000 đồng nếu đủ điều kiện nghỉ hưu trong năm nay.
Do đó, ông Trần Thanh Sơn đề nghị điều chỉnh lại mức trượt giá cho các năm đóng BHXH trước thời điểm nghỉ hưu 20 năm cho phù hợp.
Ông nói: “Cách tính hiện nay khuyến khích người lao động rút BHXH một lần. Họ canh đủ thời gian đóng BHXH 20 năm trước khi đến tuổi nghỉ hưu là được. Vì khi đó, tỷ lệ hưởng lương hưu của họ thấp, chỉ tầm 45% bình quân lương tháng đóng BHXH nhưng lương hưu thực nhận lại cao vì những năm cuối đóng BHXH với mức lương cao, tỷ lệ trượt giá thấp”.
Về nội dung chế độ hưu trí, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, thống nhất kiến nghị dự án luật BHXH nên bổ sung thêm quy định ưu đãi cho người tham gia BHXH lâu dài, không rút BHXH lần nào.
Bà Diệu Thúy nói: “Nếu người lao động tham gia BHXH cả dòng đời lao động thì nên được thưởng cái gì đó để khuyến khích họ”.
Báo Dân Trí