Hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thể chấm dứt bởi nhiều lý do khác nhau như lý do khách quan, nguyên nhân từ phía người lao động hoặc người sử dụng lao động. Vậy khi hợp đồng lao động chấm dứt, công ty có phải thông báo cho người lao động biết không?
1. 8 trường hợp công ty phải thông báo chấm dứt hợp đồng lao động
Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định về việc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
Điều 45. Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động
1. Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 của Bộ luật này.
Theo quy định này, người sử dụng lao động phải thông báo chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động trong các trường hợp sau:
(1) – Hợp đồng lao động hết hạn.
(2) – Người lao động đã hoàn thành công việc được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
(3) – Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
(4) – Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật.
(5) – Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật.
(6) – Người lao động bị cho thôi việc trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
(7) – Giấy phép lao động của người lao động nước ngoài bị hết hiệu lực.
(8) – Người lao động thử việc không đạt yêu cầu mà trước đó các bên thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động.
2. Công ty phải thông báo chấm dứt HĐLĐ theo hình thức nào?
Theo khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2019 đã dẫn chiếu ở trên, phía công ty phải thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động bằng hình thức văn bản. Hiện pháp luật không quy định cụ thể mẫu thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà do phía công ty tự soạn thảo.
3. Không gửi thông báo chấm dứt hợp đồng, công ty có bị phạt?
Như đã đề cập, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động biết trong một số trường hợp nhất định. Nếu không gửi văn bản thông báo cho người lao động, người sử dụng lao động có thể bị phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 của Bộ luật Lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi từ 02 – 06 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Như vậy, nếu không gửi văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng lao động cho nhân viên, phía công ty có thể bị phạt lên đến 06 triệu đồng.
Theo khoản 2 Điều 49 Nghị định 12/2022, thẩm quyền xử phạt đối với lỗi này thuộc về Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Do đó, nếu không được công ty gửi văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động có thể tố cáo hành vi vi phạm này đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính để xử lý theo quy định.
Luật Việt Nam