Công ty phải bố trí thời điểm nghỉ trong giờ làm việc cho người lao động như thế nào?

Cho tôi hỏi công ty phải bố trí thời điểm nghỉ trong giờ làm việc cho người lao động như thế nào? Nghỉ giữa giờ khi làm ca liên tục có tính vào làm thêm giờ không?

Người lao động được nghỉ giữa giờ tối thiểu bao lâu?

Tại Điều 109 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:

Nghỉ trong giờ làm việc
1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

Dẫn chiếu đến Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:

Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Như vậy, theo quy định nêu trên, đối với những người lao động làm việc theo thời giờ làm việc tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 (làm việc liên tục 08 giờ trong 01 ngày) thì sẽ được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Công ty phải bố trí thời điểm nghỉ trong giờ làm việc cho người lao động như thế nào? – Nguồn ảnh: Freepik

Công ty phải bố trí thời điểm nghỉ trong giờ làm việc cho người lao động như thế nào?

Tại khoản 3 Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định:

Nghỉ trong giờ làm việc
1. Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục theo quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động được áp dụng đối với người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm quy định tại Điều 106 của Bộ luật Lao động.
2. Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc đối với trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.
3. Người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.
4. Ngoài trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này, khuyến khích các bên thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc.

Như vậy, công ty phải bố trí thời điểm nghỉ trong giờ làm việc cho người lao động sao cho khoảng thời gian này không rơi vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.

Nghỉ giữa giờ khi làm ca liên tục có tính vào làm thêm giờ không?

Tại khoản 2 Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:

Nghỉ trong giờ làm việc

2. Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc đối với trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.

Tại khoản 5 Điều 60 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì quy định như sau:

Giới hạn số giờ làm thêm

3. Trường hợp làm việc không trọn thời gian quy định tại Điều 32 của Bộ luật Lao động thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
4. Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
5. Thời giờ quy định tại các khoản 1 Điều 58 Nghị định này được giảm trừ khi tính tổng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm để xác định việc tuân thủ quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Mà khoản 1 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì quy định như sau:

Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương
1. Nghỉ giữa giờ quy định khoản 2 Điều 64 Nghị định này
..

Theo khoản 2 Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Nghỉ trong giờ làm việc

2. Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc đối với trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.

Theo đó các quy định này cho thấy thời gian nghỉ giữa giờ (đối với ca liên tục) sẽ được tính vào giờ làm việc trả lương cho người lao động nhưng sẽ không tính vào tổng giờ làm thêm trong tháng, trong năm.

  Thư Viện Pháp Luật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *