Tổ chức đại điện người lao động chúng tôi muốn điều chỉnh về điều kiện làm việc hiện nay của người lao động tại doanh nghiệp thì không biết có thể yêu cầu thương lượng tập thể không? Khi tổ chức thương lượng tập thể thì có cần sự tham gia từ phía Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay không?
Có thể yêu cầu thương lượng tập thể để thỏa thuận về điều kiện hoạt động tại doanh nghiệp cho người lao động không?
Căn cứ khoản 5 Điều 67 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nội dung thương lượng tập thể như sau:
Nội dung thương lượng tập thể
Các bên thương lượng lựa chọn một hoặc một số nội dung sau để tiến hành thương lượng tập thể:
1. Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác;
2. Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca;
3. Bảo đảm việc làm đối với người lao động;
4. Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động;
5. Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động;
6. Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;
7. Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
8. Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.
Như vậy, tổ chức đại diện người lao động có thể yêu cầu thương lượng tập thể đối với doanh nghiệp để thỏa thuận về điều kiện làm việc dành cho người lao động.
Thương lượng tập thể
Khi nhận được yêu cầu thương lượng tập thể từ tổ chức đại điện người lao động thì doanh nghiệp có được quyền từ chối không?
Căn cứ Điều 70 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quy trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp như sau:
Quy trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp
1. Khi có yêu cầu thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu thương lượng tập thể theo quy định tại Điều 68 của Bộ luật này hoặc yêu cầu của người sử dụng lao động thì bên nhận được yêu cầu không được từ chối việc thương lượng.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu và nội dung thương lượng, các bên thỏa thuận về địa điểm, thời gian bắt đầu thương lượng.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm và các điều kiện cần thiết để tổ chức các phiên họp thương lượng tập thể.
Thời gian bắt đầu thương lượng không được quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng tập thể.
2. Thời gian thương lượng tập thể không được quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu thương lượng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Thời gian tham gia các phiên họp thương lượng tập thể của đại diện bên người lao động được tính là thời gian làm việc có hưởng lương. Trường hợp người lao động là thành viên của tổ chức đại diện người lao động tham gia các phiên họp thương lượng tập thể thì thời gian tham gia các phiên họp không tính vào thời gian quy định tại khoản 2 Điều 176 của Bộ luật này.
…
Từ quy định trên thì trong trường hợp nhận yêu cầu tổ chức thương lượng tập thể từ tổ chức đại diện người lao động thì doanh nghiệp không được từ chối yêu cầu.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu và nội dung thương lượng, các bên thỏa thuận về địa điểm, thời gian bắt đầu thương lượng.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm và các điều kiện cần thiết để tổ chức các phiên họp thương lượng tập thể.
Thời gian bắt đầu thương lượng không được quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng tập thể.
Khi tổ chức thương lượng tập thể thì có cần sự tham gia từ phía Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay không?
Căn cứ Điều 74 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thương lượng tập thể như sau:
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thương lượng tập thể
1. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thương lượng tập thể cho các bên thương lượng tập thể.
2. Xây dựng và cung cấp các thông tin, dữ liệu về kinh tế – xã hội, thị trường lao động, quan hệ lao động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy thương lượng tập thể.
3. Chủ động hoặc khi có yêu cầu của cả hai bên thương lượng tập thể, hỗ trợ các bên đạt được thỏa thuận trong quá trình thương lượng tập thể; trường hợp không có yêu cầu, việc chủ động hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ được tiến hành nếu được các bên đồng ý.
4. Thành lập Hội đồng thương lượng tập thể khi có yêu cầu của các bên thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp theo quy định tại Điều 73 của Bộ luật này.
Từ quy định pháp luật nêu trên thì khi thương lượng tập thể không cần sự có mặt từ phía Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Tuy nhiên, nếu các bên có nhu cầu có thể yêu cầu phía Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham gia hỗ trợ.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng có thể chủ động tham gia thương lượng tập thể tại doanh nghiệp nhưng cần có sự đồng ý từ các bên.
Thư Viện Pháp Luật