Có người thân mất, người lao động được nghỉ mấy ngày?

Khi gia đình có tang sự, người lao động được nghỉ làm để tận hiếu với người đã mất. Vậy theo quy định hiện hành, người lao động có người thân mất được nghỉ mấy ngày để lo ma chay?

1. Người thân mất được nghỉ mấy ngày làm việc?

Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về các trường hợp nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương của người lao động như sau:

Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Theo đó, khi gia đình có người thân mất, người lao động sẽ được nghỉ với số ngày như sau:

– Cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; cha, mẹ đẻ, cha, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: Nghỉ 03 ngày hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.

– Ông, bà nội; ông, bà ngoại; anh, chị, em ruột chết: Nghỉ 01 ngày và không được tính lương.

– Người thân khác mất: Thỏa thuận số ngày nghỉ với người sử dụng lao động.

Ngoài ra, để có thể nghỉ làm với thời gian dài hơn để lo ma chay cho người thân mất, người lao động có thể thực hiện theo một trong hai cách sau:

Cách 1: Thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ làm không hưởng lương.

Thời gian nghỉ sẽ do các bên thỏa thuận mà không giới hạn số ngày nghỉ tối đa.

Cách 2: Xin nghỉ phép năm.

Theo Điều 113 Bộ luật Lao động, mỗi người lao động làm đủ năm sẽ có ít nhất 12 – 16 ngày phép. Do đó, nếu còn phép, người lao động có người thân mất có thể xin nghỉ phép năm để có thể nghỉ làm lo tang sự cho người thân mà vẫn được tính đủ lương theo hợp đồng lao động.

2. Nghỉ do người thân mất không thông báo cho công ty có sao không?

Cũng theo Điều 115 Bộ luật Lao động được dẫn chiếu ở trên, người lao động nghỉ làm vì lý do người thân qua đời phải thực hiện thủ tục sau:

– Trường hợp cha, mẹ; cha, mẹ của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi; ông, bà nội; ông, bà ngoại; anh, chị, em ruột chết:

Người lao động phải thông báo cho người sử dụng lao động biết. Bộ luật Lao động không quy định hình thức thông báo cụ thể, người lao động có thể thông báo bằng cách gọi điện, nhắn tin, viết mail, viết đơn,…

– Trường hợp người thân khác mất:

Người lao động phải thỏa thuận với người sử dụng lao động. Bộ luật Lao động không ghi nhận hình thức của thỏa thuận nên người lao động có thể trao đổi bằng lời nói, tin nhắn, văn bản hoặc hình thức khác, miễn sao người sử dụng lao động đồng ý.

Trường hợp người lao động tự nghỉ mà không thông báo hay thỏa thuận với người sử dụng lao động sẽ bị coi là hành vi tự ý bỏ việc và bị xử lý kỷ luật lao động theo nội quy lao động của công ty.

Căn cứ Điều 124 và Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có thể bị xử lý kỷ luật theo một trong 04 hình thức sau:

– Khiển trách.

– Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

– Cách chức.

– Sa thải.

3. Từ chối cho nhân viên nghỉ khi người thân mất, công ty có bị phạt?

Theo Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền nghỉ làm khi cha, mẹ; cha, mẹ của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi; ông, bà nội; ông, bà ngoại; anh, chị, em ruột chết và chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thông báo cho người sử dụng lao động biết chứ không cần phải xin ý kiến đồng ý từ họ.

Nếu không cho người lao động nghỉ làm trong các trường hợp này, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;

Theo đó, khi từ chối cho nhân viên nghỉ làm khi cha mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột của người lao động qua đời, người sử dụng lao động có thể bị phạt từ 02 – 05 triệu đồng.

Còn với người thân là những người họ hàng khác mà qua đời thì người sử dụng lao động vẫn có quyền từ chối yêu cầu xin nghỉ làm của người lao động.

  Luật Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *