(NLĐO) – Dưới đây là những chính sách mới về tuổi nghỉ hưu, biên chế công chức, viên chức được Báo Người Lao Động cập nhật.
Quy định mới về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với công chức
Nội dung này được đề cập tại Nghị định 83/2022/NĐ-CP về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được Chính phủ ban hành ngày 18/10.
Theo đó, đối tượng cán bộ, công chức được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được chia thành 2 nhóm:
**Nhóm 1 là cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh dưới đây:
– Phó Trưởng ban, cơ quan Đảng ở trung ương; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
– Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
– Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Thứ trưởng, cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang bộ;
– Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước;
– Phó trưởng các tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương;
– Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương. Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
– Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật;
– Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
– Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Trưởng ban Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
– Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
– Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các Ban đảng của Thành ủy thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh;
– Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy là người dân tộc thiểu số.
Quy định mới bổ sung thêm các chức danh như Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ươn; vân vân
**Nhóm thứ 2 là công chức được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đối với cán bộ, công chức thuộc nhóm 1, thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không vượt quá 60 tuổi.
Còn đối với các trường hợp thuộc nhóm 2, thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Nghị định 83/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20-10-2022.
Biên chế công chức Nhà nước giai đoạn 2022-2026
Chính sách mới tiếp theo liên quan đến biên chế công chức Nhà nước giai đoạn 2022-2026.
Cụ thể theo Quyết định 1259/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng ban hành thì tổng biên chế công chức của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng), biên chế của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương giai đoạn 2022 – 2026, bảo đảm đến hết năm 2026 là 103.300 biên chế.
Trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 101.546 biên chế.
Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.068 biên chế.
Biên chế của hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương 686 biên chế.
Quyết định 1259/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 18-10-2022.
Lương viên chức trợ giúp viên pháp lý cao nhất 11,92 triệu đồng/tháng
Tiếp theo là quy định về xếp lương viên chức trợ giúp viên pháp lý tại Thông tư 05/2022/TT-BTP về quy định mã số, tiêu chuẩn và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý.
Theo đó, bổ sung chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng I. Chức danh nghề nghiệp này được được áp dụng hệ số lương từ 6.20 đến hệ số lương 8.00 (từ 9,24 đến 11,92 triệu đồng/tháng)
Còn đối với chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng II được áp dụng hệ số lương từ 4.40 đến hệ số lương 6.78 (từ 6,56 đến 10,1 triệu đồng/tháng);
Và sau cùng là chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng III được áp dụng hệ số lương từ 2.34 đến hệ số lương 4.98 ( từ 3,48 đến 7,42 triệu đồng/tháng).
Như vậy, lương viên chức trợ giúp viên pháp lý cao nhất 11.92 triệu đồng/tháng.
Thông tư 05/2022/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 20-10-2022.
Chính sách mới về tư vấn nghề nghiệp, việc làm
Theo Thông tư 14/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 15/10, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người học có nhu cầu học giáo dục nghề nghiệp về tầm quan trọng của việc lựa chọn ngành nghề học; cách thức phát hiện thế mạnh bản thân và nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tư vấn, định hướng về ngành, nghề đào tạo, trình độ đào tạo; thông tin về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tìm hiểu các chính sách, chế độ khi lựa chọn học nghề; nhu cầu nhân lực từ thị trường lao động.
Tư vấn kỹ năng hoạch định kế hoạch định hướng nghề nghiệp cho tương lai
Đồng thời, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người học đang học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Về phương pháp, kỹ năng hoạch định kế hoạch định hướng nghề nghiệp cho tương lai và một số kỹ năng cần thiết cho người học để hình thành thái độ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch học tập và phát triển năng lực nghề nghiệp; các chế độ, chính sách cho người lao động liên quan trực tiếp đến ngành, nghề đào tạo; thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động đối với ngành, nghề người học đang theo học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người học sau tốt nghiệp có nhu cầu học ngành nghề khác hoặc có nhu cầu học trình độ cao hơn: Về ngành, nghề đào tạo, trình độ đào tạo; thông tin về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; một số kỹ năng chuyển đổi, thích ứng linh hoạt cho người học; các nội dung tư vấn nghề nghiệp khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Về tư vấn nghề nghiệp, cần tổ chức chương trình, hành trình, ngày hội tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp cho người học; tổ chức hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho người học thông qua các hoạt động câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm về ngành nghề; các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, giao lưu tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đơn vị sử dụng lao động.
Tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cho người học về kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm
Về tư vấn việc làm, cung cấp thông tin về việc làm liên quan đến ngành, nghề đào tạo; thông tin về tuyển dụng, yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động; chính sách lao động, việc làm cho người học; tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cho người học về kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và một số kỹ năng làm việc khác.
Bên cạnh đó, tư vấn việc làm cho người học lựa chọn công việc phù hợp với sức khỏe, năng lực, nguyện vọng; kết nối với đơn vị sử dụng lao động giới thiệu việc làm cho người học; các nội dung tư vấn việc làm khác phù hợp với quy định của pháp luật. Triển khai công tác tư vấn việc làm cần tổ chức chương trình, ngày hội tư vấn việc làm, tuyển dụng của doanh nghiệp, các hoạt động tư vấn việc làm kết nối người học với đơn vị sử dụng lao động.
Tổ chức bồi dưỡng, rèn luyện cho người học về kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và kỹ năng làm việc khác thông qua hoạt động câu lạc bộ, các hội thảo, diễn đàn, lớp đào tạo, hoạt động ngoại khóa, tham quan, thực tập trải nghiệm tại đơn vị sử dụng lao động.
Hướng dẫn người học khai thác cơ sở dữ liệu thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động, thông tin về thị trường lao động, đánh giá kỹ năng, thái độ, khả năng thích ứng với thị trường lao động.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức ngành Khoa học và Công nghệ
Chính sách mới này được đề cập tại Thông tư 14/2022/TT-BKHCN ban hành ngày 11/10/2022.
Theo đó, so với Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV, quy định mới đã bỏ các tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ theo các bậc, trình độ tin học với viên chức ngành khoa học và công nghệ.
Thay vào đó, chỉ yêu cầu viên chức có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Thông tư 14/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 12/12/2022.
Báo Người Lao Động