Cơ quan soạn thảo Luật BHXH cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần
Sáng 27-3, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật BHXH tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ (LĐN)”. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chủ trì hội thảo.
Không ai muốn rút một lần nếu chính sách có lợi
Hiện nay, TP Hà Nội có 10 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348 ha. Các KCN đã thu hút 708 dự án, trong đó có 301 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký trên 6,6 tỉ USD; 407 dự án đầu tư trong nước (vốn đăng ký gần 26.000 tỉ đồng). Công đoàn các KCN và Chế xuất Hà Nội đang quản lý trực tiếp 335 Công đoàn với 157.307 lao động (LĐN nữ là 98.590 người), trong đó đoàn viên là 147.570 người (đoàn viên nữ là 92.034 người).
Luật BHXH cần bảo đảm tính khả thi và thúc đẩy sự phát triển của lao động nữ .Ảnh: HUỲNH NHƯ
Theo bà Ngô Thị Liên, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN và Chế xuất Hà Nội, vừa qua, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã được đưa ra để lấy ý kiến. Vấn đề được công nhân – lao động đặc biệt quan tâm là phương án rút BHXH một lần. Theo đó, dự thảo đưa ra 2 phương án rút BHXH một lần. Phương án 1: Chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực (trước ngày 1-7-2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2: Không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ.
Theo bà Liên, thông tin này lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều và gây tác động lớn đến công nhân – lao động làm việc tại các doanh nghiệp. “Các ý kiến cho rằng sẽ không ai muốn rút bảo BHXH một lần nếu như việc để lại có lợi cho họ. Đó là điều mà dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) chưa nêu ra được” – bà Liên nói.
Do đó, bà Liên kiến nghị Công đoàn các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động đoàn viên – lao động cố gắng an tâm làm việc, ổn định lâu dài để bảo đảm thu nhập vì chính sách BHXH không chỉ dành riêng cho vấn đề rút BHXH một lần hoặc là chế độ hưu trí mà còn nhiều chính sách khác nữa. Đồng thời kiến nghị cơ quan soạn thảo Luật BHXH cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động (NLĐ) để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ NLĐ tham gia thay vì hạn chế quyền rút của NLĐ.
Tăng chế độ thai sản
Về mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện, tại khoản 1 điều 93 quy định: “Mức hưởng 2 triệu đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu”. TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đánh giá mức trợ cấp này quá thấp, không còn phù hợp, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo nâng lên.
Đối với chế độ thai sản cho LĐN tham gia BHXH bắt buộc, ông Lợi cũng đề nghị quy định số lần khám thai cho LĐN tối thiểu 5 lần. Đối với trường hợp có chỉ định của cán bộ y tế có thẩm quyền, NLĐ có thể khám thai nhiều hơn 5 lần để bảo đảm sự phát triển bình thường của thai nhi.
Bên cạnh đó cũng cần cân nhắc thời gian NLĐ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con, bởi nếu quy định NLĐ chỉ được đi làm khi con đã được ít nhất 4 tháng tuổi thay vì NLĐ đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất 4 tháng như trước đây (nghĩa là NLĐ có thể đi làm khi con được ít nhất 2 tháng tuổi vì đã nghỉ 2 tháng trước khi sinh). Trên thực tế nhiều NLĐ do yêu cầu công việc hoặc do nhu cầu gia tăng thu nhập đã xin đi làm sớm, vì vậy nếu không có vướng mắc thì giữ như luật hiện hành.
ại khoản 1 điều 48 dự thảo luật quy định: Trong thời gian mang thai, LĐN được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho 1 lần khám thai. Đại diện Công đoàn dệt may kiến nghị cần tăng số lần khám thai tương ứng số tháng từ khi mang thai đến khi sinh con từ 5 đến 9 lần; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày.
Trong trường hợp LĐN không sử dụng hết thời gian đi khám thai, sức khỏe bảo đảm và được người sử dụng lao động đồng ý để NLĐ làm việc thì ngoài tiền được thanh toán chế độ BHXH, NLĐ được trả thêm tiền lương theo công việc mà NLĐ đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của NLĐ.
Đại diện Công đoàn dệt may cũng kiến nghị tăng thêm thời gian 3 ngày nghỉ trong mỗi trường hợp mà dự thảo đang quy định lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ khi vợ sinh con (khoản 2 điều 50 dự thảo luật) để giúp người chồng có điều kiện chăm sóc vợ, con, phù hợp với mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc.
Về thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau (điều 40), đề nghị cần sửa đổi quy định theo hướng thời gian hưởng chế độ con ốm đau đối với NLĐ có con dưới 10 tuổi và xem xét quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau dựa theo loại bệnh, tình trạng bệnh, mức độ bệnh của con và xem xét quy định thời gian tính theo số ngày chăm sóc con ốm đau đối với con dưới 15 tuổi thay vì quy định như dự thảo.
Người lao động