5 điều một CV “chán òm” luôn sở hữu

Một trong những điều khiến ứng viên cảm thấy ấm ức nhất là không bao giờ nhận được phản hồi từ một vị trí tuyển dụng đã nộp đơn. Thường thì nhà tuyển dụng ít khi nào cho bạn những nhận xét để cải thiện CV tốt hơn hoặc tiết lộ vì sao bạn không vượt qua vòng kiểm duyệt hồ sơ để được mời đến phỏng vấn. Bạn tự rà soát CV của mình và nhận thấy mọi thứ đều phù hợp với yêu cầu, không có vẻ gì là “trật đường ray” nhưng không hiểu sao chỉ nhận về sự im lặng từ nhà tuyển dụng? CareerViet.vn sẽ tiết lộ cho bạn biết có thể CV của bạn có chứa những yếu tố hoặc cụm từ sau khiến cho cảm nhận đầu tiên về CV là sao “chán òm” đến thế và khiến nhà tuyển dụng muốn bỏ qua ngay. Bạn hãy thử xem đó là 5 điều gì nhé!

01 –THÔNG TIN THAM KHẢO SẼ ĐƯỢC BỔ SUNG KHI CÓ YÊU CẦU/REFERENCES AVAILABLE UPON REQUEST
Trên thực tế thì phần lớn các nhà tuyển dụng ngày nay đều không đòi hỏi ứng viên phải cung cấp các thông tin về người tham khảo trước trong CV. Họ sẽ tự yêu cầu điều này khi cảm thấy cần thiết. Vì vậy, bạn không cần tỏ ra quá lo lắng và rào trước với câu dẫn khá phổ thông trước đây là “Thông tin tham khảo sẽ được bổ sung khi có yêu cầu” bởi lẽ trông nó có vẻ thừa thãi và theo khuôn mẫu quá. Điều bạn cần làm là hãy luôn chuẩn bị trước ba người tham khảo mà theo bạn là có đủ sức thuyết phục và liên quan nhiều nhất đến những công việc bạn từng làm qua, tất nhiên đừng quên hỏi trước ý kiến của họ và nhận được sự đồng ý nhé.

Thông tin tham khảo

02 – MỤC TIÊU CỦA CV/THE OBJECTIVE STATEMENT
Nhiều ứng viên đã phải vắt óc suy nghĩ viết sao cho phần mục tiêu CV trở nên thật hoa mỹ và xuôi tai, thế nhưng với nhà tuyển dụng thì một đoạn nội dung với nhiều từ ngữ nghe tưởng rất hay mà không có điểm nhấn lại trở thành lòng vòng và khiến họ cảm thấy mất thời gian bởi thông thường họ chỉ có 6 giây để rà soát nhanh một bản CV. Sự thật là ai cũng biết, mục tiêu lớn nhất mà một bản CV hay ho cần đạt được đó chính là giúp ứng viên có được công việc tốt, hoặc chí ít là được mời dự phỏng vấn. Vì thế, điều bạn làm chỉ cần đơn giản là đi thẳng vào những kỹ năng và kinh nghiệm mình sở hữu. Nếu bạn có rất nhiều kinh nghiệm, bạn có thể cân nhắc tóm tắt lại một chút ở phần đầu của CV những thành quả và kiến thức mà bạn nghĩ là liên quan nhiều nhất đến vị trí đang ứng tuyển thay vì phải đầu tư vào việc viết ra những câu mục tiêu sáo rỗng.

03 – NHỮNG NHIỆM VỤ KÈM THEO/DUTIES INCLUDED
CV của bạn sẽ trông như của các bạn sinh viên xin đi làm các công việc bán thời gian khi ở các phần mô tả nhiệm vụ bạn lại viết theo phong cách “Tôi được giao cho vị trí nhân viên bán hàng với những nhiệm vụ kèm theo”. Mặc dù ai cũng hiểu rằng nhiệm vụ của một nhân viên bán hàng là … bán hàng nhưng không có nghĩa bạn có thể đơn giản hoá mọi việc bằng cách mặc định rằng không cần bổ sung thêm chi tiết. Với mỗi một môi trường làm việc, đặc thù ngành nghề, những công việc có chức danh giống nhau chưa chắc đã hoàn toàn giống nhau. Nhà tuyển dụng luôn mong muốn bạn hãy cụ thể hoá những hoạt động bạn đã thực hiện trong quá trình làm việc, những kỹ năng bạn học hỏi được và cũng qua đó cho thấy bạn hiểu về ý nghĩa vị trí mình từng đảm nhiệm đến đâu.

Cụ thể hoá những hoạt động đã thực hiện trong quá trình làm việc

04 – KÍNH GỬI NHỮNG AI CÓ LIÊN QUAN/TO WHOM IT MAY CONCERN
Trước khi có sự bùng nổ của các phương tiện kỹ thuật số và mạng xã hội, việc tìm ra được thông tin của người phụ trách bộ phận nhân sự tại một công ty nào đó có lẽ khá khó khăn. Tuy nhiên, điều này không còn đúng ở thực tại bởi lẽ các quảng cáo tuyển dụng ngày nay thường đính kèm tên của người phụ trách việc đăng tuyển. Kể cả khi không có, bạn vẫn có thể dễ dàng tìm hiểu thông qua các mạng lưới tuyển dụng nhân tài hoặc các mạng xã hội nghề nghiệp. Do đó, việc gửi lời chào vu vơ đến một ai đó trong bộ phận có liên quan cho thấy bạn chưa thật sự chú tâm và nghiêm túc trong việc ứng tuyển. Trong trường hợp không thể tìm ra được tên người phụ trách nhân sự, hãy thay thế bằng “Kính gửi giám đốc nhân sự” hoặc “Kính gửi quản lý phòng nhân sự”, như vậy sẽ tỏ ra được nhiều thành ý hơn và cũng lịch sự hơn.

05 – CHĂM CHỈ LÀM VIỆC/HARD-WORKING
Khi mô tả về quá trình làm việc trước đây, bạn không nên sử dụng những từ ngữ nhàm chán như “chăm chỉ” bởi lẽ như thế nào là chăm chỉ khi bạn chỉ tự nhận xét về đức tính tốt trong công việc của mình chứ chưa trao cho nhà tuyển dụng cơ hội rút ra kết luận từ những thành quả bạn đạt được, mà như vậy thì sẽ không được khách quan. Cho nên thay vào đó, bạn hãy khéo léo lồng ghép thành tích của mình vào những nhiệm vụ chi tiết bạn đã hoàn thành và qua đó nêu bật lên được khả năng cũng như phẩm chất của mình bởi đôi khi việc cứ làm một chú ong cần mẫn trong công việc chưa chắc đã được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Điều họ quan tâm hơn cả chính là kết quả đóng góp sau cùng.

>>>> Xem thêm : Việc tốt Lương cao

Nguồn hình: Freepik

  CareerViet Vietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *